[vietnambusinessinsider.vn] – Gần 20 năm gắn bó với lĩnh vực tư vấn phát triển kinh doanh và hệ thống quản lý cho các doanh nghiệp ở nhiều ngành, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tân vừa chia sẻ với VBI mô hình điều hành kinh doanh nhằm giúp các chủ doanh nghiệp thoát khỏi thói quen điều hành sự vụ để tập trung cho chiến lược phát triển bền vững…
Trong thời bình, khi số vẫn nhảy hàng ngày, với nhiều doanh nghiệp thì có hay không mô hình quản trị cũng không quan trọng. Chỉ cần sản phẩm vẫn hàng ngày rời nhà máy, ra thị trường và mang về cho họ nhiều tiền là ổn. Thế nhưng, khi Covid-19 ập đến, doanh số đứng in hoặc sụt giảm nghiêm trọng, nếu không có mô hình quản trị cụ thể, doanh nghiệp gần như mất phương hướng và không biết nên xoay xở như thế nào để vực dậy doanh nghiệp.
Với tình hình Covid-19 như hiện nay, anh nhận định như thế nào về việc tăng trưởng của các doanh nghiệp sau Covid-19?
Hầu hết các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng khi sức mua giảm, nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa hoàn toàn. Các doanh nghiệp có thị trường nội địa sẽ có lợi thế. Ngoài ra theo kinh nghiệm của chúng tôi, trước đây doanh nghiệp nào đã chuẩn bị một mô hình tăng trưởng rõ ràng thì doanh nghiệp đó có sức đề kháng cao trong mùa Covid này.
Nếu doanh nhân nào việc điều hành doanh nghiệp theo tư duy độc lập với doanh nghiệp (có nghĩa đứng bên trên quan sát tổng thể để đưa ra chiến lược), không phải sa đà vào giải quyết sự vụ, có thời gian kiểm soát chiến lược thì doanh nghiệp đó rất ổn. Nói tóm lại, khi Covid 19 đến các doanh nghiệp thiếu mô hình kinh doanh, không tạo sức mạnh tăng trưởng từ trước sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều so với doanh nghiệp có sở hữu mô hình tăng trưởng.
Theo anh, những biểu hiện thường gặp của những doanh nghiệp không có mô hình tăng trưởng là gì?
Tăng trưởng là chuyện rất quan trọng trong bất kỳ doanh nghiệp nào, việc này thể hiện tầm nhìn của người đứng đầu. Những doanh nghiệp không có mô hình tăng trưởng thường có những biểu hiện như sau.
Thứ nhất, doanh nghiệp thiếu tầm nhìn dài hạn (5 năm) hoặc có nhưng tầm nhìn còn chung chung, chưa được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu; hoặc có tầm nhìn nhưng trong quá trình triển khai, doanh nghiệp lại không bám theo tầm nhìn.
Thứ hai, cơ cấu tổ chức chưa rõ ràng, còn chồng chéo; các phòng ban phối hợp nhau không hiệu quả. Thứ ba, là doanh nghiệp thiếu chiến lược cấp công ty và chiến lược chức năng (tài chính, kinh doanh, marketing, sản xuất….). Trong đó, chiến lược cấp công ty phải thể hiện rõ mục tiêu của từng năm, còn chiến lược chức năng phải chỉ rõ trách nhiệm, mục tiêu của từng bộ phận.
Thứ tư, các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp chưa được phân tích chi tiết – cụ thể sát với nhu cầu và sự thay đổi của thị trường. Thứ năm, doanh nghiệp chưa sắp xếp đúng người, đúng việc. Thứ sáu, hệ thống quản lý của doanh nghiệp chưa hoàn chỉnh, còn thiếu các công cụ vận hành. Thứ bảy, chưa có văn hóa doanh nghiệp rõ nét.
Có thể nói, bảy vấn đề nêu trên đã và đang xảy ra ở hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam với mức độ khác nhau. Đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự mệt mỏi, chật vật của người điều hành. Hệ quả tất yếu là doanh nghiệp không đạt được mục tiêu về doanh số, lợi nhuận, thị phần, sức cạnh tranh yếu…
Như vậy, có mô hình nào để các doanh nghiệp tham khảo ứng dụng thưa anh?
Hiện nay trên thế giới có nhiều mô hình tạo sức mạnh tăng trưởng, trong đó BrainBOS là mô hình tiên tiến được chúng tôi khai thác và tư vấn cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.
BrainBOS (Brain Business Operating System) là mô hình quản trị tạo sức mạnh tăng trưởng với 7 yếu tố then chốt, gồm: tầm nhìn, cấu trúc, sản phẩm, con người, hệ thống, thực thi, văn hóa. Mô hình này được ví như một ngôi nhà quản trị doanh nghiệp. Theo BrainBOS: “tầm nhìn” được ví như mái nhà, “văn hóa” chính là nền móng. Nhà muốn vững phải có các trụ đỡ. Cấu trúc, sản phẩm, con người, hệ thống và thực thi chính là 5 trụ đỡ kiên cố tạo nên “Ngôi nhà quản trị” phát triển bền vững cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Nếu kiến tạo thành công ngôi nhà này, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ có hệ thống điều hành kinh doanh mạnh mẽ và bền vững, kết nối vận hành cũng như có thể kiểm soát toàn công ty.
Hiện nay, chúng tôi đã triển khai cho nhiều tập đoàn, công ty ở Việt Nam mô hình này và chúng đã phát huy hiệu quả nhất định. Các doanh nghiệp có thể tham khảo mô hình tại www.BrainMark.vn. Ngoài ra chúng tôi cũng có những buổi hỗ trợ không tính phí cho những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi Covid – 19 để họ tự tin vượt qua mùa giông bão.
Vậy để ứng dụng mô hình BrainBOS thì người lãnh đạo doanh nghiệp triển khai như thế nào?
Chúng ta có thể bắt đầu từ việc xây dựng 5 trụ “tầm nhìn, gồm sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, triết lý kinh doanh”, mục tiêu trong 5 năm. Với nhiều chủ doanh nghiệp, thời gian thường trôi qua rất nhanh, lắm khi xem lại mình đã già mà tầm nhìn không đạt. Đau khổ hơn là nếu không có tầm nhìn thì chúng ta không biết mình hành động hàng ngày để làm gì… Khi “bảng vision” (bảng tầm nhìn) được lập thì những buổi họp giao ban hàng quý của công ty là xem xét tầm nhìn, chứ không phải đi giải quyết sự vụ như các giám đốc doanh nghiệp đang làm. Và chúng tôi muốn đồng hành cùng với doanh nghiệp để thực hiện việc này.
Sau “tầm nhìn” là xây dựng trụ “cấu trúc”, tức rà soát – hoàn thiện cơ cấu tổ chức, chức năng – nhiệm vụ của từng bộ phận chức năng, định biên nhân sự, mô tả công việc của từng vị trí chức danh. Công việc này có thể hiểu là quá trình tái cấu trúc một doanh nghiệp.
Trụ “sản phẩm” với 8 bước khép kín từ việc xây dựng quy trình phát triển sản phẩm, nghiên cứu thị trường, phân khúc khách hàng, định vị thương hiệu, phát triển sản phẩm, định giá sản phẩm, chiến lược phân phối đến chiến lược truyền thông. Với trụ “con người”, cái khó nhất vẫn là tuyển đúng người, giao đúng việc. Mà muốn vậy thì phải xây dựng hệ thống đánh giá năng lực.
Tiếp theo là việc hoàn thiện trụ “hệ thống” với hàng loạt công cụ như KPI, Lương 3P, AOP… rồi xây dựng bộ máy thực thi – kiểm soát và cuối cùng là xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Khi đưa mô hình này về, đơn vị khai thác tại Việt Nam, BrainMark có phải địa phương hóa nhằm phù hợp hơn với doanh nghiệp Việt Nam?
Khi BrainBOS được đưa về Việt Nam, công ty tư vấn BrainMark Vietnam phải địa phương hoá lại một phần cho đồng bộ với tuy duy và văn hoá Việt. Trong mô hình có phần “tầm nhìn” và phần “văn hoá” là hai phần được điều chỉnh nhiều nhất. Vì tại Việt Nam, các chủ doanh nghiệp thường không quen làm tầm nhìn dài hạn trên 5 năm, nên BrainMark Vietnam chuyển đổi tầm nhìn dừng lại tối đa là 5 năm. Trong đó, chúng tôi cũng nhấn mạnh những mục tiêu cụ thể để định hướng chiến lược trong 5 năm. Phần “văn hoá” (nền móng của mô hình) là phần được chuyển đổi rất nhiều nhằm phù hợp hơn với cách làm văn hoá “kiểu doanh nghiệp Việt” (vừa là khẩu hiệu vừa là hành động).
Tóm lại, khi mang về Việt Nam, có 7 phần chính của rainBOS – từ xây dựng hệ tư tưởng đến soạn lập sổ tay văn hoá đến truyền thông, huấn luyện, đánh giá tuân thủ… đều được điều chỉnh nhằm phù hợp hơn với doanh nghiệp Việt. Do vậy, khi ứng dụng tại các tập đoàn, doanh nghiệp như Lasuco Group, Vĩnh Hoàn, Saigon Food… mô hình đã phát huy lợi thế rất tốt, hơn hẳn các giải pháp xây dựng văn hoá doanh nghiệp thông thường.
Theo anh, đâu là những rào cản khi ứng dụng mô hình BrainBOS tại các doanh nghiệp là gì?
Rào cản và khó khăn lớn nhất khi đưa mô hình BrainBOS vào ứng dụng cho các doanh nghiệp Việt là suy nghĩ không đồng bộ của ngũ quản lý cấp trung, mặc dù lãnh đạo cấp cao thì rất mong được triển khai càng sớm càng tốt. Lý do cơ bản là những thành viên quản lý cấp trung không muốn thay đổi đến mức bảo thủ, họ cho rằng mình không có thời gian thay đổi và họ đang làm theo cách cũ vẫn tốt.
Người ta thường nói ‘không đi sẽ không có con đường để đến đích’, nên khi lãnh đạo quyết định ứng dụng, những người bảo thủ này sẽ chống đối ngầm trong tư tưởng, làm mô hình không phát huy tác dụng tuyệt đối. Đây là rào cản đầu tiên.
Vấn đề tiếp theo là các doanh nghiệp Việt thường không có bộ phận kiểm soát hiệu quả, nên khi ứng dụng mô hình, việc hiệu quả hoạt động của các phòng ban tăng lên nhưng không đồng đều, cũng sẽ không được ghi nhận và đánh giá rõ ràng…
Với kinh nghiệm tư vấn triển khai mô hình tăng trưởng này cho nhiều doanh nghiệp, anh có khuyến cáo gì?
Đến nay, tại Việt Nam đã có khá nhiều doanh nghiệp ứng dụng mô hình này thành công. Với kinh nghiệm của người tư vấn, chúng tôicó một vài đề xuất như sau: trong suốt quá trình xây dựng “Ngôi nhà quản trị BrainBOS”, doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến việc thực thi và kiểm soát chiến lược, mục tiêu.
Rất nhiều doanh nghiệp xây dựng chiến lược bài bản, chi tiết, nhưng cuối cùng vẫn không đạt được mục tiêu đề ra; lý do là thiếu đội ngũ thực thi và kiểm soát. Doanh nghiệp nào cũng vậy, nếu thiếu hai đội ngũ này thì mọi kế hoạch chỉ mãi là kế hoạch trên giấy tờ mà thôi. Thực thi thần tốc, kiểm soát chặt chẽ và thường xuyên là điều mà các doanh nghiệp cần tập trung thực hiện. Lúc đó sếp yên tâm, hệ thống sẽ tự vận hành!
Công ty BrainMark hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào khi tư vấn mô hình BrainBOS?
Chúng tôi cam kết tăng trưởng với doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ đi cùng doanh nghiệp và cam kết tăng trưởng trong 3 năm đầu vận hành mô hình này với những con số cụ thể. Có những doanh nghiệp, chúng tôi sẽ cử người tham gia hội đồng quản trị độc lập để hỗ trợ phát triển. Lúc đó, chúng tôi vừa là đơn vị tư vấn xây dựng hoàn thiện mô hình BrainBOS vừa là đơn vị phản biện chiến lược khi đội ngũ doanh nghiệp vận hành mô hình này.
Về việc hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa Covid-19, doanh nghiệp của anh có gói hỗ trợ cụ thể như thế nào?
Hiện nay, Văn phòng tư vấn BrainMark tại Mỹ cũng như Việt Nam đều đang triển khai gói dịch vụ tài trợ 3 giờ coach (hướng dẫn) doanh nghiệp áp dụng mô hình này. Với chúng tôi, những doanh nghiệp có tư duy phát triển bền vững là nhóm doanh nghiệp mà chúng tôi đang hướng tới và sẵn sàng hỗ trợ cho họ phát triển thịnh vượng, thông qua mô hình tăng trưởng này.
Tóm lại, hiện tại và cả trong tương lai, quá trình cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt, thị trường đã thay đổi rất nhiều, các doanh nghiệp không thể thành công bằng cách làm như trong quá khứ. Thế nên, mỗi nhà lãnh đạo cần phải sở hữu mô hình điều hành kinh doanh phù hợp, mới tạo ra sức mạnh tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp mình.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Nguồn: Sa Mộc
Vietnam Business Insider
Tiêu đề do BrainMark đặt lại
Link Bài viết: https://vietnambusinessinsider.vn/nguyen-thanh-tan-chu-tich-brain-group-da-lam-kinh-doanh-moi-doanh-nghiep-nen-co-mot-mo-hinh-tang-truong-phu-hop-10044.html